Kiểm kê nguồn điểm là gì? Nguồn điểm trong kiểm kê được thực hiện như thế nào? Hãy cùng MÔI TRƯỜNG ENVISAFE tìm hiểu thông qua bài viết “Hướng dẫn chi tiết kiểm kê nguồn điểm” dưới đây nhé!

Kiểm kê khí nhà kính

I. ĐỐI TƯỢNG, THÔNG SỐ KIỂM KÊ NGUỒN ĐIỂM 

1. Đối tượng kiểm kê nguồn điểm

Nguồn điểm: là các nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm vào khí quyển có lượng phát thải tương đối ổn định, có vị trí cố định và có thể nhận dạng được, điển hình là các ống khói phát thải khí, bụi thải của các hoạt động công nghiệp và ống khói của các cơ sở có hệ thống đốt (lò hơi công nghiệp, lò đốt chất thải). 

Nguồn điểm được kiểm kê có thể bao gồm các loại nguồn phát thải dưới đây:

  • Sản xuất gang, thép, luyện kim: tất cả các loại công suất.
  • Sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản, phân bón hóa học: tất cả các loại công suất
  • Lọc, hóa dầu: tất cả công suất
  • Nhiệt điện: tất cả các loại công suất
  • Sản xuất xi măng: tất cả các loại công suất
  • Xử lý chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp, y tế): tổng công suất các lò từ 500kg/giờ đối với chất thải rắn công nghiệp, y tế và từ 3.000kg/giờ đối với chất thải rắn sinh hoạt.
  • Loại hình sản xuất khác có sử dụng lò hơi (như hóa chất, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy…): công suất từ 10 tấn hơi/giờ.

Việc xác định danh mục nguồn điểm thực hiện kiểm kê phải được thực hiện đầy đủ, kèm theo các thông tin chi tiết về vị trí, tọa độ nguồn thải.

Việc phân loại nguồn điểm phụ thuộc vào từng hoạt động kiểm kê và đơn vị thực hiện kiểm kê; theo mục đích sử dụng số liệu (ví dụ để chạy mô hình, để kiểm soát nguồn thải lớn…); theo ngưỡng quy định về thải lượng phát thải (ví dụ nguồn phát thải >10 tấn/năm); hoặc dựa vào phương pháp ước tính sẵn có (Nguồn: US. EPA)

kiểm kê nguồn điểm

2. Thông số kiểm kê nguồn điểm

Thông số kiểm kê đối với nguồn điểm bao gồm, nhưng không giới hạn, các thông số sau: CO, NOx, SO2; Bụi tổng số (PM/TSP), PM2,5; PM10. Thông số đối với từng loại nguồn điểm cụ thể có thể khác nhau như trong bảng dưới đây:

kiểm kê nguồn điểm 1

kiểm kê nguồn điểm 2

II. PHƯƠNG ÁN KIỂM KÊ NGUỒN ĐIỂM

1. Phương pháp sử dụng dữ liệu từ CEMS trong kiểm kê nguồn điểm

  • Sử dụng dữ liệu của hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục (dữ liệu CEMS) để tính toán thải lượng chất ô nhiễm, bao gồm các dữ liệu: thông tin về nồng độ chất ô nhiễm thực hiện kiểm kê, lưu lượng dòng khí thải và thời gian quan trắc.
  • Mức phát thải của chất ô nhiễm phát thải ra môi trường được tính toán theo công thức sau:

kiểm kê nguồn điểm

Trong đó:

  • E: mức phát thải của chất ô nhiễm được phát thải ra từ nguồn thải (tấn/năm)
  • C0: nồng độ chất ô nhiễm ở điều kiện tiêu chuẩn (25ºC, 760 mmHg) theo kết quả quan trắc (mg/Nm3)
  • Q0: lưu lượng khí thải ở điều kiện tiêu chuẩn (25ºC, 760 mmHg) (Nm3/giờ)
  • t: thời gian hoạt động của nguồn thải (giờ/năm)

Đặc điểm khi sử dụng phương pháp sử dụng dữ liệu từ CEMS trong kiểm kê nguồn điểm: Phương pháp tính toán thải lượng chất ô nhiễm sử dụng dữ liệu CEMS cho phép xác định được lượng thải thực tế của nguồn thải với điều kiện có được dữ liệu CEMS tin cậy. So với các phương pháp khác, phương pháp này cho kết quả về lượng thải chính xác hơn và thường được áp dụng đối với một số nguồn thải lớn quan trọng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng phát thải của chương trình kiểm kê. Tuy nhiên phương pháp này có một số điểm hạn chế như: chi phí khá lớn và một số chất ô nhiễm không có dữ liệu CEMS.

2. Phương pháp quan trắc không liên tục (Source Testing) trong kiểm kê nguồn điểm

Phương pháp này thực hiện quan trắc khí thải tại nguồn trong một số khoảng thời gian nhất định và sử dụng các kết quả quan trắc gián đoạn này để ngoại suy thải lượng trong khoảng thời gian dài hơn (có thể là tháng, năm) theo yêu cầu của chương trình kiểm kê. Phương pháp được áp dụng trong một số trường hợp, đặc biệt là đối với các nguồn thải ổn định (công suất ổn định; nguyên, nhiên liệu sử dụng không hoặc ít thay đổi …).

Đặc điểm khi sử dụng phương pháp quan trắc nguồn thải không liên tục:

  • Tiết kiệm hơn về chi phí so với phương pháp sử dụng dữ liệu CEMS, và vẫn có thể cho kết quả kiểm kê tin cậy hơn và gần với phát thải thực tế hơn so với các phương pháp khác như sử dụng EF hay cân bằng vật chất.
  • Kết quả quan trắc ngắn hạn chỉ phản ánh được bản chất nguồn thải trong những khoảng nhất thời gian đo đạc nhất định.
  • Độ tin cậy của kết quả kiểm kê phụ thuộc rất lớn vào thiết bị và phương pháp quan trắc và cần phải có các điều tra sơ bộ về mức độ hoạt động của nguồn thải. Đối với các nguồn thải có công suất hoạt động không ổn định, để có được kết quả tin cậy cần thực hiện quan trắc trong những khoảng thời gian xác định đảm bảo thu được dữ liệu đại diện cho nguồn thải, phản ánh được sự thay đổi của nguồn thải.

3. Phương pháp sử dụng hệ số phát thải (EF) trong kiểm kê nguồn điểm

  • Phương pháp sử dụng EF có thể được áp dụng để đánh giá nhanh mức phát thải cho các nguồn điểm, bao gồm các ngành, lĩnh vực sản xuất (ví dụ: thép, xi măng, hóa chất, nhiệt điện, …) dựa trên các dữ liệu hoạt động của nguồn thải và hiệu quả của hệ thống xử lý khí thải.
  • Mức phát thải của chất ô nhiễm (i) trong khí thải được tính theo công thức:

kiểm kê nguồn điểm

Trong đó:

  • Ei: mức phát thải của chất ô nhiễm (i) được thải ra từ nguồn thải (tấn/năm);
  • A: dữ liệu hoạt động của nguồn thải (tấn nhiên liệu/năm hoặc tấn sản phẩn/năm);
  • EFi: hệ số phát thải của chất ô nhiễm (i)
  • ER: hiệu suất xử lý khí thải đối với chất ô nhiễm (i) (%), trường hợp cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải thì ER = 0.

Dữ liệu hoạt động của nguồn thải thường là các đại lượng phản ánh hoạt động của cơ sở sản xuất mà có thể được tổng hợp, xác định hay đo đạc như lượng nguyên liệu sử dụng cho quá trình sản xuất, lượng nhiên liệu tiêu thụ cho quá trình đốt, hoặc lượng sản phẩm tạo thành của một quá trình sản xuất hoặc một ngành công nghiệp cụ thể.

Đặc điểm khi sử dụng phương pháp sử dụng hệ số phát thải:

  • Số liệu EF thường được nghiên cứu, xây dựng dựa trên dữ liệu hữu hạn và do đó có thể không thực sự đại diện cho cơ sở sản xuất đang được kiểm kê phát thải.
  • Cần thu thập hiệu suất xử lý của các hệ thống xử lý khí thải đối với mỗi cơ sở.
  • Khi sử dụng EF để ước tính thải lượng đối với các nguồn thải mới hoặc nguồn thải đặc thù thì nên tham khảo các tài liệu về áp dụng EF của nguồn thải điển hình, xem xét công nghệ của quá trình sản xuất phát sinh khí thải, từ đó xác định mức độ phù hợp giữa nguồn thải cần ước tính và EF tham khảo, sử dụng để tính toán.

4. Phương pháp cân bằng vật chất trong kiểm kê nguồn điểm

Phương pháp cân bằng vật chất yêu cầu dữ liệu của nguyên vật liệu đầu vào và đầu ra. Lượng phát thải được tính toán từ dòng nguyên liệu đi vào, đi ra quá trình sản xuất và lượng nguyên liệu chuyển hóa thành sản phẩm. Tải lượng phát thải sau đó được ước tính bằng cách sử dụng định luật bảo toàn khối lượng. Sự tồn tại của một số vật liệu nhất định trong nhiên liệu có thể được sử dụng để ước tính lượng phát thải khí, bụi liên quan. Ví dụ: Phát thải khí SO2 từ quá trình đốt than có thể tính toán từ hàm lượng lưu huỳnh trong than đốt.

Phương trình tổng quát để ước tính mức phát thải theo phương pháp cân bằng vật chất như sau:

kiểm kê nguồn điểm

Trong đó:

  • E: mức phát thải của chất ô nhiễm được phát thải ra từ nguồn thải
  • Qin: lượng vật chất có chứa nguyên tố gây ô nhiễm đi vào quá trình sản xuất
  • Qout: lượng vật chất có chứa nguyên tố gây ô nhiễm đi ra từ quá trình sản xuất, dưới dạng đi vào dòng tuần hoàn lại, sản phẩm và các dòng khí thải đã được xử lý.
  • Cin: hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong dòng vật chất đi vào quá trình sản xuất.
  • Cout: hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong dòng vật chất đi ra quá trình sản xuất.

Đặc điểm khi sử dụng phương pháp cân bằng vật chất:

  • Phương pháp cân bằng vật chất thường được áp dụng để ước tính tải lượng phát thải từ các nguồn điểm và diện. Nó rất hữu ích để ước tính lượng phát thải từ các nguồn có xu hướng gây ra hóa hơi như quá trình chế biến hoặc sử dụng dung môi và dầu, sơn phủ bề mặt.
  • Phương pháp cân bằng vật chất không phù hợp với các quá trình có sản phẩm hoặc nguyên liệu bị thay đổi về mặt hóa học; quá trình có xảy ra các phản ứng chuyển hóa phức tạp tạo ra các sản phẩm trung gian, sản phẩm phụ.
  • Sai số trong tính toán dòng vào hoặc dòng ra đều ảnh hưởng dẫn đến sai số trong kết quả. Phương pháp này không phù hợp khi chỉ có sự chênh lệch nhỏ giữa dòng vào và dòng ra.

 

MÔI TRƯỜNG ENVISAFE – tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM, đáp ứng tiêu chí xử lý hồ sơ NHANH – TỐI ƯU CHI PHÍ tốt nhất cho doanh nghiệp. Chúng tôi với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm và tận tâm, cam kết xử lý hồ sơ đúng và đầy đủ theo yêu cầu của Quý Doanh Nghiệp !

Mọi thông tin chi tiết, LIÊN HỆ NGAY: HOTLINE – 0826.379.986 để TƯ VẤN MIỄN PHÍ và NHẬN NGAY ƯU ĐÃI.

————————————————————————————————————————————————-

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT AN TOÀN MÔI TRƯỜNG ENVISAFE
☎Hotline: 0826.369.986
📧Email: envisafe.tech@gmail.com
📍KV Miền Bắc: Số 148, lô 8 Mở Rộng, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP. Hải Phòng
📍KV Miền Nam: Đường 6, KDC Cityland Center Hills, Quận Gò Vấp, TP.HCM