Kiểm kê khí nhà kính là gì? Vai trò của kiểm kê khí nhà kính như thế nào trong đời sống? Hệ số phát thải sử dụng trong kiểm kê phát thải là gì?. Hãy cùng MÔI TRƯỜNG ENVISAFE tìm hiểu thông qua bài viết “Hệ số phát thải sử dụng trong kiểm kê phát thải” dưới đây nhé!

I. HOẠT ĐỘNG KIÊM KÊ PHÁT THẢI LÀ GÌ?

Hoạt động kiểm kê phát thải là quá trình đo lường, thu thập, và phân tích dữ liệu về lượng phát thải các chất gây ô nhiễm hoặc khí nhà kính từ các nguồn khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Quá trình này có thể áp dụng cho các tổ chức, khu vực, hoặc quốc gia và thường bao gồm các bước sau:

  • Xác định nguồn phát thải: Nhận diện các nguồn phát thải chính như nhà máy, phương tiện giao thông, các hoạt động nông nghiệp, và các quá trình công nghiệp khác.
  • Thu thập dữ liệu: Thu thập các số liệu liên quan đến hoạt động của các nguồn phát thải, bao gồm dữ liệu về lượng nguyên liệu sử dụng, sản lượng sản phẩm, và các thông số vận hành.
  • Tính toán lượng phát thải: Sử dụng các phương pháp và công thức đã được công nhận để tính toán lượng phát thải dựa trên dữ liệu thu thập được. Điều này có thể bao gồm sử dụng các hệ số phát thải và các mô hình tính toán.
  • Phân tích và báo cáo: Phân tích dữ liệu để xác định các xu hướng phát thải, so sánh với các tiêu chuẩn hoặc mục tiêu quy định, và lập báo cáo chi tiết về kết quả kiểm kê.
  • Kiểm tra và xác nhận: Đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của dữ liệu thông qua các quá trình kiểm tra, xác nhận và đối chiếu với các nguồn dữ liệu khác.

Kiểm kê phát thải đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ và quản lý các tác động môi trường, hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát thải, và tuân thủ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường.

Báo cáo kiểm kê khí nhà kính

kiểm kê phát thải

II HỆ SỐ SỬ DỤNG TRONG KIỂM KÊ PHÁT THẢI

  • Ưu tiên sử dụng dữ liệu quan trắc phát thải của từng nguồn thải cụ thể hoặc dữ liệu từ CEMS để ước tính lượng phát thải của nguồn, vì những dữ liệu này đại diện tốt nhất về lượng phát thải của nguồn. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc từ các nguồn riêng lẻ không phải lúc nào cũng có sẵn và đối với nhiều trường hợp số liệu quan trắc gián đoạn thì không phản ánh được sự thay đổi của lượng khí thải thực tế theo thời gian hoạt động của nguồn. Do đó, phương pháp sử dụng EF dù có những hạn chế nhất định, nhưng thường là phương pháp phổ biến nhất để ước tính lượng phát thải. Đa số các EF chỉ đơn giản là giá trị trung bình của tất cả dữ liệu sẵn có với chất lượng số liệu chấp nhận được và được giả định là đại diện cho mức trung bình dài hạn cho các cơ sở phát thải trong danh mục nguồn kiểm kê.
  • Việc sử dụng các EF trong tài liệu Hướng dẫn mang tính mở, ưu tiên sử dụng các hệ số được cung cấp trong tài liệu, tuy nhiên tùy nguồn lực của địa phương mà tra cứu, sử dụng các hệ số phù hợp trong các bộ EF được giới thiệu dưới đây (Lưu ý, khi có các số liệu cập nhật như số liệu đo đạc của nguồn địa phương đã được kiểm nghiệm thì sẽ được xem xét để sử dụng).

1. Bộ hệ số phát thải AP-42 của Hoa Kỳ trong kiểm kê phát thải

  • Bộ AP-42: là tập hợp các hệ số phát thải EF của các chất gây ô nhiễm không khí, được Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US EPA) ban hành lần đầu tiên năm 1972 và đến nay vẫn được rà soát, cập nhật theo các năm. Bộ AP-42 quy định cho khoảng 200 nguồn, chia làm 4 loại (nguồn điểm, nguồn diện, nguồn giao thông di chuyển trên đường và nguồn giao thông không di chuyển trên đường) kèm theo mức độ tin cậy của EF từ cao đến thấp (A-E), kèm theo mã số “SCC” để thuận tiện tra cứu và sử dụng trong cơ sở dữ liệu của EPA.
  • Bộ AP-42 được chia thành hai tập: Tập I bao gồm các EF nguồn diện và nguồn điểm, và Tập 2 bao gồm EF nguồn di động. Một chương cơ bản của AP-42 bao gồm thông tin về quy trình sản xuất, danh mục chất ô nhiễm cùng với việc đánh giá về nguồn phát thải chính, chất ô nhiễm cần được chú ý cao nhất; khả năng áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải. Các EF thường được biểu thị bằng trọng lượng của chất ô nhiễm trên một đơn vị trọng lượng, thể tích, khoảng cách hoặc thời gian của hoạt động phát thải chất ô nhiễm (ví dụ, kg bụi thải ra trên mỗi tấn than được đốt cháy trong lò hơi, hay số g CO thải trên mỗi km xe ô tô chạy trên đường trong thành phố). 

kiểm kê phát thải

2. Bộ hệ số phát thải của EMEP/EEA của Châu Âu trong kiểm kê phát thải

  • Bộ hệ số phát thải EMEP/EEA của Cơ quan Bảo vệ môi trường Châu Âu được ban hành năm 1996 và được cập nhật mỗi 3 năm, tài liệu này được xây dựng đối với các nguồn điểm, nguồn diện, nguồn di động theo từng nhóm, lĩnh vực, ngành cụ thể và được thể hiện chi tiết tại các chương của tài liệu Hướng dẫn. Tùy thuộc vào từng mức độ kiểm kê mà có thể sử dụng các EF tương ứng theo từng bậc (Tier). Bên cạnh đó, bộ EMEP/EEA cũng đưa ra một cơ sở dữ liệu về EF tại Châu Âu kèm theo các khuyến nghị trong việc tham khảo và sử dụng. Thông tin được sắp xếp theo mã danh mục nguồn danh mục báo cáo (NFR) tương ứng.
  • Có 3 cách tiếp cận để tính toán phát thải cho một đối tượng cụ thể được gọi là Tier. Tier 1 là phương pháp cơ bản và đơn giản nhất để thống kê phát thải; Tier 2 là phương pháp nâng cao hơn, có độ chính xác cao hơn Tier 1, được sử dụng khi có hệ số phát thải của vùng đang nghiên cứu; Tier 3 là phương pháp nâng cao hơn và có độ chính xác cao hơn Tier 2 và Tier 1, phương pháp này được sử dụng khi có phương pháp thống kêm đánh giá phát thải được xây dựng riêng cho vùng nghiên cứu. Cơ sở để lựa chọn phương pháp tính toán tuỳ thuộc vào số liệu đầu vào và các nghiên cứu sẵn có của địa phương cần kiểm kê phát thải. Tài liệu chủ yếu sử dụng phương pháp Tier 1 do chưa có đầy đủ các dữ liệu địa phương.

3. Bộ hệ số phát thải của Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong kiểm kê phát thải

  • Hệ số phát thải của Tổ chức Y tế thế giới WHO – ban hành trước năm 2000 và không có cập nhật thêm cho đến thời điểm hiện tại. Bộ hệ số này chỉ quy định cho nguồn công nghiệp (nhiệt điện, lò hơi công nghiệp và xi măng) với thông số bụi, các khí (SO2, NO2, CO, HC). EF của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng: than đá; than antraxit; than bitum; dầu FO; khí tự nhiên. Đơn vị sản xuất hay đơn vị hoạt động ở đây là tính theo tấn nhiên liệu, riêng đối với khí tính theo m3 hay theo tấn.

4. Bộ hệ số phát thải của ABC – EIM của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) trong kiểm kê phát thải

  • Sổ tay hướng dẫn kiểm kê ABC- EIM của Chương trình Môi trường liên hợp quốc, ban hành năm 2013 đưa ra các khuyến nghị trong việc sử dụng EF cho các tính toán, ước lượng trong quá trình thực hiện kiểm kê. Nhìn chung, các EF được khuyến nghị tại tài liệu này chủ yếu được khai thác từ các nguồn đáng tin cậy như US EPA, EMEP/EEA… và một số nguồn tham khảo từ các nghiên cứu trong các nước và khu vực châu Á.
  • EF cho nguồn di động trong ABC-EIM chủ yếu được lấy từ EMEP/EEA. Các EF cho nguồn diện được tổng hợp từ nhiều nguồn thải khác nhau (với khu vực thương mại, chủ yếu là dịch vụ nhà hàng, ăn uống, EF được hiệu chỉnh từ các EF trong bộ AP-42 của Hoa Kỳ cho bếp nấu ăn gia đình; với các lò hơi thương mại và lò sưởi sử dụng các loại nhiên liệu khác nhau; với nguồn phát thải từ hoạt động đun nấu dân dụng, EF được tổng hợp từ các nghiên cứu cụ thể ở các nước Châu Á; với nguồn đốt hở phế phẩm sinh học, EF được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu ứng với từng loại cây trồng và điều kiện, điển hình như Kim Oanh và cộng sự, 2010; Zhang và cộng sự, 2008; Li và cộng sự, 2007; Jenkins và cộng sự, 1996…; với nguồn đốt lộ thiên chất thải rắn (đốt hở), hầu hết các EF được lấy từ AP-42 và các báo cáo, nghiên cứu có liên quan. Sổ tay hướng dẫn khuyến nghị các quốc gia sẽ có các nghiên cứu cụ thể, đưa ra các EF riêng phù hợp với đặc thù nguồn phát thải của các quốc gia. 

kiểm kê phát thải

Nguồn tham khảo: Wikipedia

5. Bộ hệ số phát thải của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong kiểm kê phát thải

  • Sổ tay Hướng dẫn kiểm soát khí thải công nghiệp được giới thiệu vào tháng 2/2017 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có đưa ra bộ EF cho các ngành công nghiệp đặc thù ở Việt Nam như thép, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, phân bón, lọc hóa dầu và lò hơi công nghiệp. Đơn vị của bộ hệ số là kg/tấn sản phẩm hoặc kg/ tấn nhiên liệu tùy từng ngành phát thải. Thông số kiểm kê bao gồm các thông số cơ bản như TSP, PM10, PM2,5, SO2, NOx, CO,…

6. Hệ số phát thải từ các nghiên cứu của Việt Nam

6.1. Hệ số phát thải xe con và xe máy

  • Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng EF phục vụ công tác kiểm kê phát thải khí từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” do Trung tâm Quan trắc môi trường, Cục Bảo vệ môi trường (nay là Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) thực hiện từ năm 2008-2009 đã hoàn thành thực nghiệm xác định bộ EF cho các thông số ô nhiễm HC, NOx, CO, CO2, PM và mức tiêu thụ nhiên liệu đối với 04 loại ô tô hạng nhẹ và 8 loại xe máy. Phương pháp xác định là phương pháp đo đạc phát thải dùng bệ thử con lăn theo chu trình lái thực tế tại Hà Nội. EF của xe máy cho các thông số CO, HC, NOx, đơn vị là g/km với mức tiêu thụ nhiên liệu (lít/100km). EF của ô tô <9 chỗ ngồi: cho các thông số CO, HC, NOx, đơn vị là g/km với mức tiêu thụ nhiên liệu (lít/ 100km) (Nguồn tài liệu: Hoàng Dương Tùng và cộng sự, 2011. Development of emission factors and emission inventories for motorcycles and light duty vehicles in the urban region in Vietnam. Science of The Total Environment, 409 (14), 2761-2767).
  • Ngoài ra, bộ EF (g/km) cho xe máy, ô tô con, taxi và xe buýt cho các thông số như NMVOC, SOx, NOx, CO, NH3, PM, CO2, CH4, N2O, benzene, 1,3-butadiene, acetaldehydes, và formaldehyde (Kim Oanh và cộng sự, 2012; Trang và cộng sự, 2015). Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát công nghệ động cơ cho một số mẫu của từng loại phương tiện, khảo sát GPS, v.v. và áp dụng vào mô hình IVE để tính toán EFs cho các phương tiện lưu thông tại Hà Nội.

6.2. Hệ số phát thải cho xe buýt tại Hà Nội

  • Các EF của xe buýt trong điều kiện giao thông thực tế tại khu vực nội thành Hà Nội, Việt Nam đối với thông số CO, HC, NOx (theo NO2) và PM đã được xây dựng, gồm EF theo công suất động cơ (g/kWh), theo nhiên liệu (g/kg nhiên liệu) và theo quãng đường (g/km). Phương pháp xây dựng hệ số EF là theo chu trình kiểm tra phát thải tĩnh. Một chu trình dừng của động cơ bao gồm 14 chế độ được phát triển dựa trên chu trình lái điển hình của xe buýt Hà Nội đã được xây dựng với việc áp dụng lý thuyết Markov. Đây là chu trình thử nghiệm phát thải tĩnh của động cơ đầu tiên được xây dựng cho động cơ hạng nặng tại Việt Nam. Dựa trên chu trình này, EF cụ thể của quốc gia (CSEF) của các chất ô nhiễm không khí bao gồm CO, HC, NOx, CO2 và PM cho xe buýt ở Hà Nội đã được phát triển bằng cách sử dụng các phép đo phát thải trên bệ thử động cơ (Nguồn tài liệu: Nghiêm Trung Dũng và cộng sự, 2019. Development of the specific emission factors for buses in Hanoi, Vietnam. Environmental Science and Pollution Research 26, 24176–24189).

6.3. Hệ số phát thải cho nguồn diện

  • Đề tài “Nghiên cứu xây dựng EF từ hoạt động đốt rơm rạ để ứng dụng vào kiểm kê phát thải và đánh giá tác động lên chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội” do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội thực hiện năm 2020-2021. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm tại 14 cánh đồng ở Gia Lâm và Hoài Đức cũng như các thực nghiệm tại phòng thí nghiệm của Viện KH&CN Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện từ năm 2016-2018, xây dựng EF cho các chất thải sinh ra từ đốt rơm rạ như các khí CO, CO2, SO2, NO, NO2, bụi PM2,5, các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) trong các hạt bụi này.
  • Kết quả cho thấy, các hệ số phát thải (EF) từ đốt rơm rạ của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với hệ số của nhiều quốc gia có cùng nền nông nghiệp như Thái Lan, Trung Quốc. EF cho CO và CO2 đều ở mức tương đương hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, EF cho PM2,5 và SO2 trong thực nghiệm ngoài cánh đồng ở nghiên cứu này cao hơn so với các giá trị tương tự ở Thái Lan và Trung Quốc. Hệ số cho PM2,5 và SO2 cũng có tính biến thiên do điều kiện đo đạc khác nhau và ảnh hưởng với những nhân tố khác nhau như độ ẩm của rơm rạ, tốc độ gió, hướng gió, độ ẩm bề mặt đất, thời gian đốt trong ngày (rơm rạ khô hơn vào buổi chiều) và điều kiện khí tượng.

 

MÔI TRƯỜNG ENVISAFE – tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM, đáp ứng tiêu chí xử lý hồ sơ NHANH – TỐI ƯU CHI PHÍ tốt nhất cho doanh nghiệp. Chúng tôi với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm và tận tâm, cam kết xử lý hồ sơ đúng và đầy đủ theo yêu cầu của Quý Doanh Nghiệp !

Mọi thông tin chi tiết, LIÊN HỆ NGAY: HOTLINE – 0826.379.986 để TƯ VẤN MIỄN PHÍ và NHẬN NGAY ƯU ĐÃI.

————————————————————————————————————————————————-

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT AN TOÀN MÔI TRƯỜNG ENVISAFE
☎Hotline: 0826.369.986
📧Email: envisafe.tech@gmail.com
📍KV Miền Bắc: Số 148, lô 8 Mở Rộng, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP. Hải Phòng
📍KV Miền Nam: Đường 6, KDC Cityland Center Hills, Quận Gò Vấp, TP.HCM